Đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, về cải cách chữ viết tiếng Việt tạo ra cuộc tranh luận nảy lửa mấy ngày qua cho thấy xã hội đặc biệt quan tâm vấn đề này. Câu hỏi đặt ra là có cần đổi mới cách viết tiếng Việt hiện nay?
Chữ quốc ngữ cải cách của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n’ để biểu đạt...
PGS-TS Đặng Ngọc Lệ, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM, khẳng định không cần thiết có thêm cải cách nào về tiếng Việt, đặc biệt là chữ viết. Ngôn ngữ nào cũng vậy, kể cả tiếng Anh được thế giới sử dụng cũng có những bất hợp lý về mặt chữ viết nhưng nó vẫn tồn tại bao lâu nay.
“Ngôn ngữ có sự gắn bó với bề dày lịch sử, văn hóa, kinh tế và nhiều vấn đề khác. Ngôn ngữ chính là thói quen, tập quán của người sử dụng nó. Do vậy nếu đặt ra việc thay đổi chữ viết sẽ tác động nhiều mặt”, PTS-TS Đặng Ngọc Lệ chia sẻ.
PGS-TS Hoàng Dũng, Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: “Chỉ có quyền lực nhà nước với sức mạnh toàn dân trong điều kiện lịch sử nhất định mới có thể 'ra lệnh' cho việc thay đổi về chính sách ngôn ngữ. Có những quy định nhỏ về chữ viết có thể thay đổi cho phù hợp hơn như cách viết hoa trong văn bản hành chính. Còn khi chữ viết thay đổi lớn sẽ tạo sự 'đứt gãy' về văn hóa”.
Tương tự, tiến sĩ Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Trưởng bộ môn Ngôn ngữ học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng hiện tại chưa cần thiết phải có đề xuất cải cách nào về ngôn ngữ hoặc chữ viết. Bởi lẽ, ngôn ngữ tự thân nó có đời sống và quy luật vận động riêng, nó thay đổi theo nhu cầu của chính cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó. Cách đây hơn 20 năm, trong một hội thảo, PGS Cao Xuân Hạo đã từng phát biểu: “Khi một hệ chữ viết đã được dùng trong vài ba thế kỷ, nó trở thành một truyền thống văn hóa. Mỗi từ ngữ dần dần có một diện mạo riêng mà người ta đã quen thuộc đến mức không thể thay đổi được nữa”. Do vậy không ai kể cả các nhà ngôn ngữ học cũng không thể tự mình đưa ra những đề xuất cải cách về tiếng nói và chữ viết mà không xuất phát từ những quy luật khách quan của ngôn ngữ và nhu cầu của người bản ngữ.
Cũng theo tiến sĩ Hồng Hạnh, ở VN vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ cũng từng được đề cập vào những năm 1960. Vài năm gần đây, cũng có ý kiến đề xuất thêm chữ cái vào bảng chữ cái Quốc ngữ. Tuy nhiên, cho đến nay mọi việc vẫn đâu vào đấy.
1. Hoàn toàn trái ngược với quy tắc âm vị học
GS-TS-NGƯT Nguyễn Đức Dân, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng trải qua mấy trăm năm hình thành và biến đổi, chữ viết tiếng Việt đã định hình khá hoàn chỉnh, không cần thiết phải thay đổi thêm. “Đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền đưa ra cũng khó chấp nhận vì nó hoàn toàn trái ngược với quy tắc về âm vị học”, GS Dân nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, GS-TS ngôn ngữ học Bùi Khánh Thế, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho biết: “Ngôn ngữ nói thì luôn biến đổi, nhưng chữ viết thì bền vững hơn. Để tìm âm vị phù hợp cho những chữ viết theo cải cách đó là không thể làm được. So với năm 1651, khi linh mục Alexandre De Rhodes khai sinh ra chữ Quốc ngữ, thì hiện nay nó đã khác lắm rồi. Trải qua mấy thế kỷ, chữ Quốc ngữ cũng có thay đổi nhưng là sự biến đổi dần dần, từ từ theo thời gian, chỉ những gì không phù hợp mới bị thay thế. Tôi nghĩ không nên đụng chạm đến chữ viết nữa, nó là vấn đề của lịch sử”
2. Một vài thứ có thể cải tiến
Tuy nhiên theo PGS-TS Hoàng Dũng, có những thứ có thể cải tiến được trong tiếng Việt. Đặc biệt là trong bối cảnh tiếng Việt đang bị lai căng trong cách thức diễn đạt và ảnh hưởng đến nhiều người trẻ như hiện nay. Chẳng hạn ngày nay người trẻ thường hay nói: “Tôi đến từ TP.HCM”, “Chương trình này được tài trợ bởi…”. PGS-TS Hoàng Dũng nói: “Họ nói một cách rất hồn nhiên và không hề biết rằng đây chính là sự mô phỏng từ tiếng Anh sang. Ví dụ nhỏ này cho thấy tiếng Việt đang có những biến tướng theo hướng tiêu cực và nó góp phần làm giảm sự trong sáng của ngôn ngữ này”.
Còn GS Nguyễn Đức Dân thì cho rằng nếu có thay đổi chữ Quốc ngữ, chúng ta chỉ nên thêm một vài ký tự để có thể phiên âm tiếng nước ngoài, chẳng hạn J, W…
Tổng hợp (Báo Thanh Niên)