Phép tu từ ngữ âm
I. TẠO ÂM HƯỞNG VÀ NHỊP ĐIỆU CHO CÂU
Ví dụ:
"Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay,một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay ,dân tộc đó phải được tự do!Dân tộc đó phải được độc lập!"
(Hồ Chí Minh, "Tuyên ngôn độc lập")
- Sự phối hợp nhịp ngắn và dịp dài:
Một dân tộc – đã gan góc – chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay : 3 – 3 – 11.
Dân tộc đó – phải được tự do : 3 – 4
Dân tộc đó – phải được độc lập : 3 – 4 -
- Sự thay đổi thanh bằng, thanh trắc cuối mỗi nhịp :
+ tộc (T), góc (T) (hai bộ phận câu này đều giống nhau, đều cân xứng với nhau).
+ đó (T), do (B)
+ đó (T), lập (T)
- Tính chất mở hay đóng của âm tiết kết thúc mỗi nhịp :
+ tộc, góc (đóng) ; nay (mở)
+ đó (đóng) ; do (mở)
+ đó (đóng) ; lập (mở)
II. ĐIỆP ÂM, ĐIỆP VẦN, ĐIỆP THANH
1. Điệp âm
Ví dụ:
"Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông"
(Nguyễn Du, "Truyện Kiều")
Sự lặp lại và phối hợp 4 phụ âm đầu ( l ) trong các tiếng lửa lựu lập loè miêu tả được trạng thái ẩn hiện trên một diện rộng của hoa lựu ( đỏ như lửa và lấp ló trên cành như những đốm lửa lúc ẩn, lúc hiện, lúc loé lên, lúc ẩn lại trên tán lá ).
2. Điệp vần
Ví dụ
"Là bàng đang đỏ ngọn cây
Sếu giang mang lạnh đang bay ngang trời
Mùa đông còn hết em ơi
Mà con én đã gọi người sang xuân!"
(Tố Hữu, "Tiếng hát sang xuân")
Trong đoạn thơ , được lặp lại nhiều nhất là vần "ang" ( có nguyên âm rộng và phụ âm cuối là âm mũi ) : 7 tiếng. Vần "ang" tạo nên âm hưởng rộng mở, tiếp diễn kéo dài. Nó phù hợp với cảm xúc chung: mùa đông đang còn tiếp diễn với nhiều dấu hiệu đặc trưng ( lá bàng đang đỏ, sếu giang đang bay về phương Nam để tránh rét ), vậy mà đã có những lời mời gọi mùa xuân.
3. Điệp thanh
Ví dụ:
"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao,ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"
(Quang Dũng, "Tây Tiến")
Đoạn thơ gợi ra được khung cảnh hiểm trở của vùng rừng núi và sự gian lao, vất vả của cuộc hành quân là nhờ sự đóng góp của nhiều yếu tố:
– Nhịp điệu 4 – 3 ở ba câu thơ đầu.
– Sự phối hợp các thanh T và thanh B ở ba câu thơ đầu , trong đó câu thơ đầu thiên về vần T. Câu thứ tư lại toàn vần B ( T-B-T-B) .Tất cả đều gợi tả một không gian hiểm trở và mang sắc thái hùng tráng, mạnh mẽ. Câu cuối khổ thơ toàn vần B gợi tả một không khí thoáng đãng, rộng lớn trải ra trước mắt khi đã vượt qua con đường gian lao vất vả.
– Dùng các từ láy gợi hình: khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút. Dùng phép đối từ: "Dốc lên khúc khuỷu" / "dốc thăm thẳm"; "ngàn thước lên cao"/ "ngàn thước xuống". Phép lặp từ ngữ: "dốc", "ngàn thước". Phép nhân hoá: súng ngửi trời.
– Phép lặp cú pháp ở câu 1 và câu 3.